Lượt xem: 1490

Trái bưởi Sóc Trăng tự tin xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ

Nếu không có gì thay đổi, 2 tháng nữa, bưởi sẽ là sản phẩm trái cây thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài. Mặc dù cơ hội luôn song hành với sự cạnh tranh gay gắt, nhưng nhà vườn trồng bưởi tại Sóc Trăng lại khá thoải mái, bởi sự thay đổi về tư duy sản xuất từ bấy lâu nay chính là điều kiện thuận lợi để tiến trình thâm nhập thị trường khó tính này được rút ngắn hơn.

 


Tham quan Hợp tác xã Bưởi Thành Công

 

    Diện tích trồng bưởi tại Sóc Trăng là 2.104 ha với sản lượng trung bình hàng năm trên 20.000 tấn. Thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nhiều năm qua, nhà vườn trồng bưởi đã bắt đầu liên kết cùng nhau thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, đồng nhất cùng một quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP nhằm giúp vườn cây cho trái tốt hơn, chất lượng trái không ngừng được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 13 vùng trồng bưởi da xanh và bưởi năm roi. Chính sự chủ động ngay từ đầu đã giúp trái bưởi được trồng tại Sóc Trăng cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn gắt gao của nhiều thị trường, từ đó kỳ vọng tìm được cơ hội xuất khẩu rộng mở hơn thay vì cứ mãi bấp bênh theo giá tiêu thụ nội địa hay phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như nhiều năm nay. Ông Huỳnh An Khương ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách chia sẻ: “Trước đây tôi được tập huấn trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng giá bán nội địa vẫn vậy nên ở đây bà con có người áp dụng, có người không. Bây giờ nghe được thông tin sắp được xuất khẩu thì hầu hết bà con đều quay trở lại canh tác hữu cơ, VietGAP. Có thể nói bà con đã ý thức rõ muốn bán được giá cao, muốn xuất khẩu được thì sản phẩm nhất định phải có chất lượng trước đã”.

    Nếu như một số loại cây có múi khác, chỉ mất từ 18 đến 24 tháng đã bắt đầu cho trái, thì bưởi lại cần đến 03 năm mới có thể thu hoạch. Thời gian từ trồng đến khi thu hoạch khá dài đồng nghĩa với chi phí dành cho sản xuất là rất cao. Chính vì vậy, để quá trình đầu tư của nhà vườn không bị lãng phí, Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ 3 nhà lưới chuyên sản xuất cây bưởi giống tại 3 hợp tác xã trồng bưởi ở huyện Long Phú và Kế Sách, kinh phí mỗi nhà lưới là 66 triệu đồng, quy mô 200 m2. Cây bưởi trồng tại nhà lưới là giống gốc ghép được chọn lọc kỹ càng nên chất lượng khi trồng tốt hơn so với giống cây trôi nổi trên thị trường, giúp nhà vườn yên tâm hơn khi có nhu cầu đầu tư canh tác. Ông Đỗ Văn Út – thành viên Hợp tác xã Bưởi Thành Công, thuộc xã Kế Thành, huyện Kế Sách cho biết thêm: “Phải chuẩn bị gốc ghép trước từ khoảng 10 cho đến 12 tháng. Gốc ghép phải chọn lựa từ cây sạch bệnh, rễ phải khỏe mạnh, ít bị vàng lá, thối rễ. Mỗi tháng trại cây giống của Hợp tác xã cũng cung ra ngoài cho thành viên, bà con nông dân trong huyện cũng như một số huyện lân cận từ 5.000 đến 7.000 cây giống. Bà con thấy mình làm bài bản, đúng quy trình nên cũng yên tâm chọn mua thay vì mua cây giống không rõ nguồn gốc ở một số nơi khác”.

    Có thể thấy, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu, ở từng khâu từ quá trình cung ứng cây giống đến quy trình canh tác để nhà vườn trồng bưởi nói riêng và trồng cây ăn trái nói chung đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu ngay khi có cơ hội. Có thêm thị trường, đồng nghĩa với việc giảm áp lực trong khâu tiêu thụ, vấn đề then chốt là làm sao giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm; bởi một khi chất lượng có vấn đề thì công tác xúc tiến, mở rộng thị trường dù tốt đến mấy cũng sẽ bị đứt quãng ngay từ khâu liên kết chuỗi. Đồng chí Nguyễn Thành Phước – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi cũng đang xúc tiến để nhiều doanh nghiệp xây dựng mối liên kết chặt chẽ với nhà vườn. Bởi vì khi có mối liên kết này, nhà vườn mới có chi phí để đầu tư, có hướng tiêu thụ hiệu quả nhất khi được xuất khẩu sang thị trường khó tính. Bởi muốn xuất khẩu được cần phải có đầu mối trung gian là công ty, doanh nghiệp chứ không phải là một cá nhân hay tổ chức riêng lẻ. Song song đó, bà con cũng cần tiếp tục đầu tư quy trình sản xuất, ưu tiên canh tác hữu cơ, bón phân sinh học để nâng cao chất lượng cho trái, một khi sản phẩm đạt chuẩn thì vấn đề liên kết sẽ thuận lợi hơn”.

    Sau sự kiện được xuất khẩu sang Châu Âu vào năm 2018, việc thị trường khó tính bậc nhất là Hoa Kỳ chấp thuận nhập khẩu sản phẩm bưởi là tín hiệu đáng mừng để nhà vườn trồng bưởi tại Sóc Trăng nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, an toàn, nhằm tăng khả năng cạnh tranh đối với sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường. Câu chuyện “trúng mùa mất giá” chắc chắn sẽ không còn lặp lại một khi tư duy canh tác của nhà vườn đã thay đổi từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang làm kinh tế nông nghiệp, từ bị động ở một vài thị trường truyền thống sang “tham vọng” được đón nhận tại những thị trường khó tính hơn bằng việc khẳng định sự vượt trội từ chính chất lượng sản phẩm.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 80
  • Hôm nay: 10153
  • Trong tuần: 77,473
  • Tất cả: 11,861,662